banner 100 new

CHIẾC BÌNH SÀNH - Phần II - CHÚNG TA - LỜI CỦA THIÊN CHÚA

21:54, 21/03/2023cdmdvChia sẻ
(0 Đánh giá)

Như Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, và qua Người, Thiên Chúa muốn nói với nhân loại: Ngài là tình yêu; thì chúng ta - món quà tình yêu mà Thiên Chúa đã tác thành từ tình yêu vô biên - là chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Giáo Hội, liên kết với Đức Giêsu là đầu, chúng ta cũng là lời Thiên Chúa muốn nói với nhân loại.

Vậy qua chúng ta Thiên Chúa muốn nói gì? Chẳng phải Ngài cũng nói rằng: Ngài là tình yêu sao! Thế thì chúng ta có bằng lòng trở nên Lời của Thiên Chúa không? Đây chắc hẳn là câu hỏi cho mỗi người Kitô hữu, mà đòi hỏi mọi người phải sẵn sàng trả lời bằng tiếng “xin vâng” trong tương quan cá vị với Thiên Chúa bởi họ đã được thông dự vào chức năng ngôn sứ của Đức Kitô, và mỗi người không chỉ trả lời một lần mà còn bao hàm một chuỗi các câu trả lời trong từng giai đoạn làm người và trong từng hoàn cảnh cụ thể. Một sự trả lời từ sâu thẳm con tim - bởi nơi đó nó được mời gọi - thể hiện qua hành động, ngôn từ, biểu cảm chứa đựng tình yêu và ơn thánh hoá. Đức Giêsu là Thiên Chúa, Người tự nguyện trở nên Lời Nhập Thể và để Lời này được đi vào trần gian, đi vào trong tâm khảm nhân loại, Người đã cúi mình bước xuống, mang lấy thân phận loài người theo ý Chúa Cha đến cùng, để nhờ Người mà nhân loại, qua khả năng được phú ban nơi chính mình họ có thể nghe, hiểu và cảm thấu Thiên Chúa là tình yêu - Tình yêu đích thực.

Lời là một chuyện và lời được nói lên, việc lời đi vào, lời được rao truyền là những chuyện khác nữa. Lời được thể hiện theo ý nghĩa tròn đầy hay đúng như bản chất của lời còn tùy thuộc nơi khả năng của người diễn đạt chứ không đơn thuần lời thế nào thì nó mang ý nghĩa theo cách hiểu phổ quát chung chung được. Nói như vậy còn nhấn mạnh rằng, lời được hiểu tròn đầy và đúng theo bản chất của lời còn nằm ở cấp độ của đối tượng đón nhận nữa. Đối tượng đón nhận hay được hiểu là nội vi cá vị và ngoài nội vi cá vị là tập thể, cộng đoàn nơi mỗi cá nhân tương tác. Đến đây cho ta thấy được, lời còn biểu lộ mặt phong phú và đa dạng ngay trong chiều kích cá vị giữa lời và đối tượng được nhắm đến. Tiếp theo sự đa dạng và phong phú đó được chia sẻ trong tập thể, cộng đoàn, và rồi nơi đó nó được thống nhất, được xác nhận, được mô tả… Đức Giêsu là Đấng duy nhất đã có thể diễn đạt tròn đầy Lời của Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần cũng là Đấng duy nhất làm cho con người hiểu được Lời đó. Chúng ta xác tín những điều này bởi những lí do: Đức Giêsu là Thiên Chúa, Con yêu dấu của Chúa Cha, căn tính của Người là Lời “Logos”, Ngài là Ngôi Hai đã tự hiến vì tình yêu nhân loại. Ngài đã diễn đạt Lời với tất cả tình yêu của một vị Thiên Chúa - là Thiên Chúa diễn đạt Lời Thiên Chúa. Khoảng cách giữa Thiên Chúa và loài người đã được nối kết nhờ việc nhập thể của Đức Giêsu, qua cái chết hiến tế chính mình Người mà con người được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa. Ngôi Lời đã nói lên bằng cả hành động và ngôn từ trong bối cảnh lịch sử và văn hoá cụ thể để nhân loại nhận thấy ơn cứu độ, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Lời của Thiên Chúa không còn làm con người hoang mang, khó hiểu và xa vời tầm với của lý trí bởi Đức Giêsu là con người như mọi người. Người dùng lời của con người, dùng hành động, suy nghĩ, ngôn từ, văn hoá của con người để diễn đạt Lời Thiên Chúa. Vấn đề còn lại là hiểu và thấm nhuần Lời tùy thuộc vào mức độ loài người muốn đón nhận Thiên Chúa như thế nào!

Đức Giêsu đã tự nguyện chấp nhận trở nên Lời của Thiên Chúa giữa trần gian, tự nguyện nói lên Lời đó dù không ít lần Người bị từ chối, bị ném đá, bị vu khống và nguyền rủa. Người đã nói đến cùng, nói cho đến hơi thở cuối cùng trên Thập Giá. Cái chết của Chúa không phải là một phủ nhận về con đường của Người nhưng là một khẳng định về sứ mạng yêu cho đến cùng.

Thiên Chúa không ngừng nói với nhân loại: Ngài là tình yêu, hãy tin tưởng vào Ngài. Ngài muốn tôi được nối kết trong mầu nhiệm Đức Giêsu. Ngài muốn tôi là Lời của Ngài giữa lòng thế giới - lời tình yêu. Thế giới hôm nay đang ngập tràn lời than thở, dối gian, hận thù, ẩn ý. Tôi có sẵn lòng trở nên Lời của Thiên Chúa, Lời chứa đựng “Đường, sự thật và là sự sống”? Lời này phải được thể hiện cách hữu hiệu và sống động nơi cả ngôn từ lẫn động tác trong đời sống và việc phục vụ ở mỗi nền văn hoá cụ thể mà nơi đó con người được định dạng ngay trong cái đơn giản nhất của họ. Để Lời của Thiên Chúa được đi vào và hoà trộn trong mỗi nền văn hoá thì ngoài ơn gọi là Lời và người công bố Lời tôi còn được mời gọi để trở nên người thông dịch Lời Thiên Chúa, làm cho mọi người ở bất cứ đâu cũng hiểu được Lời Thiên Chúa bằng ngôn ngữ, văn hoá và tất cả những tư chất riêng của họ nữa. Muốn vậy, tôi không chỉ được mời gọi không ngừng thăng tiến ngoại ngữ trong khả năng mình mà quan trọng là phải am hiểu cách sống, cách nghĩ, cách đón nhận, thậm chí cả những tư chất riêng biệt của con người ở các nền văn hoá khác nhau mà tôi có khả năng để tìm hiểu và học hỏi. Dù rằng cùng một lời, mang một ngữ nghĩa nhưng tôi phải diễn tả và cắt nghĩa cho anh A, 26 tuổi ở Châu Phi cùng ngành nghề với anh B, 26 tuổi ở Châu Mĩ một cách khác nhau. Và một điều quan trọng hơn cả là tôi phải không ngừng gắn kết với Chúa Thánh Thần - Đấng làm mọi sự trong tôi, chính người sẽ thánh hoá và làm cho tôi trở nên Lời và khí cụ của Thiên Chúa giữa trần gian.

Tôi chỉ hiểu được Lời Thiên Chúa một cách đúng đắn và nghiêm túc khi tôi không ngừng dìm mình vào Đức Kitô - Lời Hằng Sống, cố gắng trở nên như Ngài, nghĩa là hoàn toàn bước vào con đường của Ngài - đường đi lên Gôngôtha hiến tế. Trở nên Lời Thiên Chúa, tôi sẵn sàng chấp nhận được đón nhận hay bị khước từ hoặc thêm nữa là bị chôn vùi trong sỉ nhục. Chính tôi và dữ liệu về tôi phải tan biến đi trong Lời Thiên Chúa và chỉ còn là Lời Thiên Chúa chứ không phải là tôi nữa; và rồi, tôi mới là chính tôi khi tôi là Lời Thiên Chúa bởi vì Ngài muốn dựng nên tôi, muốn tôi trở thành Lời của Ngài trong kế hoạch đời đời. Tóm lại tôi là tôi khi tôi sống đúng ơn gọi và sứ mạng của mình.

Ngôn sứ Giêrêmia, Isaia, Êdêkien... đã từ chối khi Thiên Chúa kêu gọi nói Lời Chúa cho dân, cuối cùng sự kiên nhẫn và ơn Thánh Chúa đã chinh phục và dùng các ngài như những công cụ đắc lực để nói Lời Ngài. Chúng ta nài xin Chúa giúp chúng ta can đảm đáp lại lời mời gọi của Ngài trong đời sống mỗi ngày và xin Chúa biến luyện chúng ta bằng sức mạnh là tình yêu của Ngài để chúng ta không chỉ là Lời nhưng còn là Ngôn sứ của Chúa theo gương Đức Giêsu.

Mục đích của lời là được nói ra, viết ra cho đối tượng được nhắm tới. Lời Thiên Chúa cần được viết vào trong tâm hồn của con người hôm nay và mọi thời trên mọi trang giấy tâm hồn thay thế những lời ghen tương, đố kị, nguyền rủa, giận hơn, nhút nhát để con người luôn tràn đầy bình an, vui tươi, đầy sức sống, hy vọng, can đảm.

Xin cho chúng ta trở nên lời đem lại hoà bình và nối kết mọi người trong thế giới bằng vòng tay yêu thương.

 

(còn tiếp)

Agnes Tĩnh Nhân

 
Mục lục