banner 100 new

ĐỨC GIÊSU KITÔ – NỘI LỰC CHO ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN CHỊ EM CON ĐỨC MẸ ĐI VIẾNG

21:44, 27/02/2023cdmdvChia sẻ
(0 Đánh giá)

 

Xuất phát lại từ Đức Kitô có lẽ là lời mời gọi luôn mới mẻ và cần thiết cho đời sống ơn gọi thánh hiến của Giáo Hội. Đức Giêsu Kitô mà người tu sĩ bước theo không những là Vị Thầy tầm cỡ, mà quan trọng Ngài là nội lực, là đích nhắm và trung tâm lối đường mà họ bước theo. Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý: “Không có Đức Kitô, không có định hướng”[1]. Điều này càng hệ trọng cho người tu sĩ, bởi bước theo Đức Kitô mà không có Ngài, thì nói rõ ra là đang lầm đường lạc lối, hơn nữa bước theo Ngài mà không có Ngài làm nội lực không những mất đi ý nghĩa dâng hiến mà còn có nguy cơ rơi vào thế bất nhất, èo uột. Ơn gọi của chị em CĐMĐV không nằm ngoài các phạm vi trên, vì vậy, sẽ cần thiết để bàn đến việc tái khám phá và chân nhận cách liên lỉ mãnh lực Giêsu trong đời sống của mình.

Trong dòng chảy của thời đại, bên cạnh những thuận lợi mở ra cho ơn gọi và sứ vụ, không ít thách đố đặt ra cho chị em, cả về vật chất lẫn tinh thần. Bởi đó, mặc dù khuynh hướng thời đại có khả năng thúc đẩy chị em sống hăng say, dấn thân nhưng đối tượng được nhắm đến có khi không phải Đức Kitô, hay có thể là ‘Đức Kitô ảo’. Nhìn vào thực trạng cuộc sống dâng hiến của chị em, bên cạnh những kiến thức, hiểu biết mới mẻ, cách thức dấn thân sáng tạo, có thể thấy một vài vấn nạn đáng lưu tâm: Đời sống của chị em nhìn chung còn thiếu động lực để dấn thân học tập và phục vụ; sự an phận với sứ vụ hiện tại chưa đưa chị em đi sâu vào đặc sủng Đấng Sáng Lập; còn chú trọng hình thức, cái bên ngoài và để lối sống này hướng dẫn tinh thần theo hướng thế tục hoá; đáng nguy hiểm hơn, các giờ nguyện gẫm bị đặt ngoài khung trung tâm và được coi như ngoài giờ hành chánh, và vì là ngoài giờ hành chính nên cũng có thể thay thế hay nhường chỗ cho giải trí, ngủ nghỉ…điều này góp phần tạo nên một trong những nguy cơ cho việc mở cửa tiếp nhận sự tục hoá, bởi lẽ khi ánh mắt của chị em xa rời việc chiêm ngắm thực tại thần linh, thì còn gì nếu không phải là chú tâm vào các yếu tố trần thế, và vì vậy, không khó để nhận diện sắc màu quyền lực, hơn thua, bè phái được vận dụng cách khéo léo trong đời sống thánh hiến của chị em. Vì thế, cách nào đó, từ kết quả của đời sống bên ngoài, có thể đánh giá rằng đời sống chị em có nguy cơ cao trong khuynh hướng để mình rơi vào thế bị động do bị chế ngự bởi yếu tố con người ích kỷ hơn là thần linh trong đời sống hiến dâng. Cũng chính lối sống này làm chị em rơi vào căng thẳng quá mức trong sứ vụ, dẫn đến một số hậu quả đáng tiếc như lao lực, căng thẳng, mất phương hướng…Bên cạnh đó, do chưa dám hội nhập và dấn thân cách mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đời sống của chị em còn nhập nhằng, lẩn quẩn trong suy nghĩ hẹp hòi, chưa mang tính tông đồ, đó cũng là một trong các yếu tố làm cho việc loan báo Tin Mừng của nhà Dòng còn lẻ tẻ, chưa hiệu quả, năng động và sáng tạo.

Trước thực trạng này, nếu muốn nhắm đến một đời sống thánh hiến năng động thì điều quan trọng là mỗi người phải luôn xác tín về Đấng mà mình bước theo, xác định lại căn tính đời sống thánh hiến là bước theo Đức Kitô. Trước tiên và trên hết phải hiểu về Ngài bằng cái hiểu biết từ kinh nghiệm của riêng mình dựa trên nên tảng thần học. Cái hiểu này cần phải khai phá và làm mới lại mỗi ngày. Phải luôn xác định rõ ràng Đức Giêsu Kitô là động cơ, điểm quy chiếu thì đời sống thánh hiến mới tròn đầy và năng động. Qua đó, mời gọi người nữ tu CĐMĐV dám thay đổi lối sống bối rối, lo lắng, ù lì, thụ động để dám xông pha vào cuộc sống trong mọi lĩnh vực để giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người. Dù là đang đau bệnh, lớn tuổi, dấn thân trong các hoạt động hay học hành thì Đức Giêsu Kitô phải là nội lực giúp chị em mạnh mẽ can đảm sống hết mình, Ngài phải là thực tại cao cả tràn đầy sức sống, hy vọng, phấn khởi nơi người nữ tu trước khi Ngài được giới thiệu cho người khác.

Đức Giêsu là nội lực cho đời sống thánh hiến của chị em CĐMĐV vì Ngài là đối tượng duy nhất mà cuộc đời và tâm hồn chị em hướng đến. Con đường và tất cả mầu nhiệm xảy ra nơi Ngôi vị Ngài đều thôi thúc chị em nên đồng hành đồng dạng với Ngài nếu mỗi chị em sẵn lòng mở ra cho Ngài. Hơn hết, Đức Giêsu là nội lực vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng và ân sủng cư ngụ nơi mỗi người và không ngừng đưa con người hướng về Thiên Chúa.

Nhìn vào thực trạng đời sống thánh hiến, có thể quả quyết rằng, để vượt qua mọi thách thức, để đời sống và sứ vụ trở nên có ý nghĩa cho mình và công trình cứu độ của Thiên Chúa, chị em cần trở về với Đức Kitô, xuất phát lại từ Ngài, gắn bó với Ngài để được Ngài là nội lực.

Với đặc sủng của mình chị em học hỏi nơi Đức Maria tinh thần đón nhận và cưu mang Chúa Giêsu trong tâm hồn và thân xác mình. Đó là sự nên một sâu xa. Học nơi Mẹ trong cách thức để bản thân buông theo Thánh Ý Chúa. Để tiếng gọi và tình yêu của Giêsu trong tâm hồn gợi hứng và thúc đẩy hành động của mỗi người theo linh đạo Đấng Sáng Lập. Từ đó, trọn vẹn đời sống thánh hiến của chị em luôn  quy chiếu về Đức Kitô, chỉ từ nơi đây, chị em nhận lãnh tất cả sức mạnh và nhiệt huyết để lên đường.

Bên cạnh đó, khám phá và nhìn nhận Đức Giêsu là nội lực cho đời sống thánh hiến của chị em CĐMĐV là nhiệm vụ của cả nhà Dòng và mỗi một chị em trong kinh nghiệm cá nhân trên đường theo Chúa. Nhiệm vụ này cần được tái diễn cách liên lỉ và quan trọng là đặt để dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần để nhờ ân sủng của Ngài, mọi cố gắng của con người được tháp nhập với ơn thánh để đem lại giá trị cứu độ. Bởi đó, Đức Giêsu Kitô: nội lực cho đời sống thánh hiến của chị em CĐMĐV không nên là đề tài suông trong các chương trình tu đức mà quan trọng phải trở nên phương châm sống và hành động của mỗi thành viên gia đình CĐMĐV.

Cuối cùng, Đức Giêsu Kitô là nội lực cần được thể hiện và tăng triển nơi đời sống thánh hiến của chị em để những ai chị em tiếp cận cũng được gợi hứng mở ra với chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Agneslap

 

[1] ĐGH PHANXICÔ. Bài Huấn Dụ Chúa Nhật 22.7.2018. http://dcctvn.org

 
Mục lục